Tiền sản giật: Những điều phụ nữ mang thai nhất định phải biết

08/01/2024
Tác giả: Ngọc Mỹ
Chia sẻ

Tiền sản giật xuất hiện ở khoảng 2 – 4% ở phụ nữ mang thai. Trong đó, mỗi năm, thế giới có tới 76.000 phụ nữ tử vong do tiền sản giật. Triệu chứng và cách xử trí với tình trạng này như thế nào? Tìm hiểu chi tiết trong bài viết bên dưới!

Tổng quan về tiền sản giật

Tiền sản giật (Preeclampsia) là một biến chứng thai kỳ do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện sau tuần thai thứ 34 với các đặc trưng: tăng huyết áp, phù và protein niệu. 

Tiền sản giật là giai đoạn trước khi xuất hiện cơn sản giật. Các cơn sản giật có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần tùy theo mức độ bệnh. Đây là một tai biến sản khoa nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng mẹ và bé.

Dấu hiệu tiền sản giật

Dấu hiệu

Ở một số trường hợp, tiền sản giật có thể diễn tiến âm thầm mà không có triệu chứng rõ ràng. Hoặc thai phụ có thể xuất hiện các dấu hiệu như:

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là dấu hiệu thường gặp và xuất hiện sớm nhất ở phụ nữ bị tiền sản giật với các đặc điểm:

+ Huyết áp tối đa ≥ 140mmHg, huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg với 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ khi nghỉ ngơi ở phụ nữ mang thai ngoài 20 tuần tuổi và có huyết áp trước đó ở mức bình thường.

+ Khi thai phụ có huyết áp tối đa tăng hơn 30 mmHg/ huyết áp tối thiểu tăng hơn 15 mmHg thì có nguy cơ cao xuất huyết tiền sản giật. Huyết áp càng tăng cao, tiên lượng càng nặng.

+ Huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 110mmHg cần được xác định nhanh và dùng thuốc hạ huyết áp kịp thời.

Tăng huyết áp là dấu hiệu điển hình của tiền sản giật
Tăng huyết áp là dấu hiệu điển hình của tiền sản giật

Protein niệu

Protein niệu dương tính với lượng protein cao hơn 0,3g/l/24 giờ hoặc trên 0,5g/l/ mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.

Phù

Thai phụ xuất hiện tình trạng phù trắng mềm, ấn lõm.

Với phù sinh lý, thai phụ ở 3 tháng cuối chỉ bị phù nhẹ ở chân về chiều và sẽ hết phù khi nằm nghỉ kê cao chân.

Với phù bệnh lý, phù thường xuất hiện ở toàn thân, từ buổi sáng và không hết khi kê cao chân. Khi phù nặng, người bệnh có thể bị phù tràn dịch đa màng (màng bụng, màng phổi), phù não…

Khi bị phù, mẹ bầu thường xuất hiện thêm cả tình trạng tăng cân nhanh (>500 g/tuần hoặc > 2250 g/ tháng).

Tiền sản giật gây phù
Tiền sản giật gây phù

Triệu chứng kèm theo (thường xuất hiện ở tiền sản giật nặng)

+ Thiếu máu khiến da xanh xao, niêm mạc nhợt, cơ thể mệt mỏi.

+ Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn ói, đau vùng hạ sườn phải, thượng vị.

+ Suy giảm thị giác: giảm thị lực, sợ ánh sáng, hoa mắt chóng mặt.

+ Tràn dịch đa màng: tim, phổi, bụng…

Biến chứng

Tiền sản giật có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, các biến chứng thường gặp như:

– Thai tăng trưởng chậm do nhau thai không được nhận đủ lượng máu cần thiết. Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân khi chào đời.

Sinh non. Ở một số trường hợp nghiêm trọng, thai phụ có thể phải sinh sớm để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

– Rau bong non, tăng nguy cơ vỡ nhau thai đe dọa tính mạng mẹ và bé.

– Hội chứng HELLP gây tan máu, men gan cao, giảm tiểu cầu gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể.

– Sản giật – biến chứng sản khoa gây tử vong hàng đầu tới mẹ và bé.

– Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

– Tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể: thận, gan, tim, phổi, mắt… Tăng nguy cơ đột quỵ, chấn thương não.

Nguyên nhân gây tiền sản giật

Nguyên nhân

Tiền sản giật liên quan đến sự giảm lưu lượng máu tới nhau thai. Khi mạch máu không phát hiện hoặc vận hành sai chức năng khiến lượng máu chảy qua bị hạn chế gây ảnh hưởng tới quá trình mang thai. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra sự bất thường này như:

– Giảm lưu lượng máu đến tử cung.

– Mạch máu bị tổn thương.

– Suy giảm hệ thống miễn dịch.

– Bất thường trong một số gen.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật như: 

– Tiền sử gia đình có tiền sản giật.

– Có tiền sử tiền sản giật vào lần mang thai trước.

– Có song thai hay đa thai.

– Tăng huyết áp mạn tính.

– Mang thai trước 20 tuổi/ sau 35 tuổi.

– Thừa cân, béo phì trong giai đoạn mang thai.

– Khoảng cách giữa 2 lần mang thai ngắn hơn 2 năm hoặc dài hơn 10 năm.

– Thai phụ có tiền sử mắc bệnh thận, đái tháo đường, đau nửa đầu, có xu hướng phát triển cục máu đông, lupus ban đỏ…

Xử trí khi bị tiền sản giật

Phụ nữ bị tiền sản giật cần được sinh nở càng sớm càng tốt để trị dứt điểm tình trạng này. Dựa trên tuần thai, tình trạng phát triển thai nhi và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ trao đổi và đưa ra thời điểm sinh con phù hợp:

– Chỉ định sinh ngay với thai nhi phát triển tốt, đạt từ đủ 37 tuần.

– Chỉ định theo dõi chặt chẽ đến khi thai nhi phát triển đầy đủ nếu thai dưới 37 tuần và diễn biến bệnh không quá nghiêm trọng.

Với trường hợp tiền sản giật nhẹ, không có nguy cơ biến chứng nguy hiểm, mẹ bầu thường được điều trị với:

– Nghỉ ngơi tại giường, nằm nghiêng về bên trái.

– Thường xuyên theo dõi nhịp tim thai và siêu âm.

– Xét nghiệm nước tiểu và máu để xác định tình trạng bệnh.

– Uống thuốc hạ huyết áp để ổn định huyết áp.

Kiểm soát huyết áp giúp phòng ngừa tiền sản giật
Kiểm soát huyết áp giúp phòng ngừa tiền sản giật

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định:

– Dùng thuốc ngăn ngừa co giật, hạ huyết áp để phòng ngừa các vấn đề gây hại cho sức khỏe mẹ và bé.

– Tiêm steroid giúp thai nhi phát triển phổi nhanh hơn.

– Tiêm magie để ngăn ngừa tình trạng sản giật.

Phương pháp phòng ngừa tiền sản giật

Để hạn chế tối đa biến chứng trong thai kỳ, phụ nữ mang thai cần chủ động phòng ngừa tiền sản giật:

– Đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhạt, bổ sung canxi (1.200 – 1.500mg/ngày), cung cấp đủ protein.

– Kiểm soát huyết áp, đường huyết.

– Giữ ấm cơ thể.

– Chăm sóc thai kỳ sát sao, liên tục.

– Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật ở tuần thai 12 – 14.

– Bổ sung aspirin liều thấp (81mg) sau 12 tuần mang thai nếu có các yếu tố nguy cơ tiền sản giật.

Trên đây là những thông tin chung về tiền sản giật. Nếu bạn cần được hỗ trợ giải đáp hoặc cung cấp thêm thông tin khám chữa bệnh, liên hệ ngay tới hotline 1900 1984 của DoLife để được hỗ trợ sớm nhất!

Lưu ý: Bài viết cung cấp thông tin  mang tính chất tham khảo. Bạn đọc vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Bệnh viện Quốc tế DoLife

Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà Suced, 108 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 1900 1984

Website: dolifehospital.vn

Email: info@dolifehospital.vn

FanpageBệnh viện Quốc tế Dolife

Từ khóa:

Bài viết liên quan

Thuyên tắc ối: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Thuyên tắc ối: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Thuyên tắc ối là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Vậy thuyên tắc ối có triệu chứng, biến chứng như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây! Thuyên tắc ối là gì? Thuyên tắc mạch ối hay còn gọi là tắc mạch ối. Đây là tình trạng có sự xâm […]

Vỡ tử cung: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Vỡ tử cung: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa nguy hiểm đến tính mạng. Vậy vỡ tử cung có dấu hiệu gì? Cách phòng ngừa ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết Vỡ tử cung là gì? Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa gây nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn […]

Đặt vòng nâng cổ tử cung: Những thông tin cần biết

Đặt vòng nâng cổ tử cung: Những thông tin cần biết

Đặt vòng nâng cổ tử cung là một biện pháp được thực hiện để phòng tránh nguy cơ sinh non hay sảy thai phổ biến hiện nay. Cùng tìm hiểu về phương pháp này trong bài viết dưới đây. Đặt vòng nâng cổ tử cung là gì? Vòng nâng cổ tử cung là một loại […]

Tụ dịch màng nuôi có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Tụ dịch màng nuôi có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Tụ dịch màng nuôi là tình trạng khá phổ biến ở các mẹ bầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vậy tụ dịch màng nuôi có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết. Tụ dịch màng nuôi là gì? Tụ dịch màng nuôi thường xảy […]