Thời tiết giao mùa là thời gian bùng phát các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ. Ba mẹ cần làm gì để chăm sóc bé nhanh phục hồi?
Thông tin chung về viêm đường hô hấp ở trẻ
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, viêm đường hô hấp gây ra hơn 4 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Đây cũng là nhóm có khả năng tái nhiễm cao, lên tới 4 – 6 lần/năm.
Viêm đường hô hấp là tình trạng viêm nhiễm các bộ phận thuộc đường hô hấp (mũi, xoang, hầu, họng, thanh quản…) gây cản trở quá trình hô hấp. Các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ như: viêm xoang, viêm họng, nhiễm trùng mũi, viêm phế quản, viêm phổi.
Phân loại viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp được chia thành 2 nhóm chính là: viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
– Viêm đường hô hấp trên: thường liên quan tới họng và mũi, gồm cảm lạnh thông thường và cảm cúm.
– Viêm đường hô hấp dưới: thường liên quan đến các cơ quan thuộc đường hô hấp dưới (khí quản, đường thở, phổi), gồm các bệnh lý như: viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm đường hô hấp ở trẻ thường là do virus. Trong đó, các chủng virus thường gặp là: virus hợp bào hô hấp (RSV), virus sởi, virus cúm, enterovirus, rhinovirus, adenovirus… Trẻ mắc bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi/ giọt bắn có chứa virus từ người bệnh. Virus tấn công, xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng, viêm nhiễm.
Vi khuẩn tấn công cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm đường hô hấp ở trẻ. Trong đó, các loại vi khuẩn gây bệnh thường thấy là: Haemophilus Influenzae týp B (Hib), Liên cầu khuẩn, vi khuẩn Chlamydia Trachomatis, phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae), tụ cầu, vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae…
Cùng với sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh, ba mẹ cũng cần chú ý tới các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ:
– Dị ứng thời tiết
– Môi trường sống không đảm bảo, nhiều bụi bẩn, ô nhiễm
– Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc, hóa chất
– Trẻ có sức đề kháng yếu
Biến chứng
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ trẻ bị viêm đường hô hấp diễn tiến thành viêm phổi lên tới 20 – 25%. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mắc bệnh, nếu trẻ được chăm sóc đúng cách đều có thể chữa khỏi hoàn toàn và không để lại biến chứng.
Ở trường hợp ngược lại, nếu không được chăm sóc tích cực, bệnh tình chuyển biến xấu, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi… thậm chí đe dọa tính mạng.
Bởi vậy, trong quá trình chăm sóc bé, ba mẹ cần cẩn trọng, không lơ là, chủ quan, đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Xử trí khi trẻ bị viêm đường hô hấp
Tùy từng mức độ bệnh mà trẻ có thể được điều trị tại nhà hay điều trị nội trú tại viện. Với các trường hợp chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà, ba mẹ lưu ý không lơ là, chủ quan:
– Làm sạch đường thở (lau mũi, nhỏ mũi, hút mũi thường xuyên) nếu trẻ gặp tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi. Với trẻ nhỏ, ba mẹ có thể nhỏ mũi cho con bằng nước muối sinh lý rồi dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch. Với trẻ lớn, ba mẹ hướng dẫn con hỉ mũi ra.
– Với trẻ bị ho, ba mẹ có thể áp dụng các phương pháp trị ho dân gian lành tính như: uống nước quất hấp mật ong/ đường, húng chanh hấp mật ong… hoặc dùng thuốc trị ho theo chỉ định của bác sĩ.
– Với trẻ bị sốt, ba mẹ cho con nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt. Cho con uống nhiều nước, bổ sung oresol, nước hoa quả để bù khoáng, tăng cường sức đề kháng. Có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt nhưng cần dùng đúng liều lượng và có tham khảo ý kiến bác sĩ.
– Cho trẻ ăn uống đủ chất. Có thể chia thành nhiều cữ ăn trong ngày, không ép con ăn quá nhiều mỗi bữa.
Dấu hiệu khi trẻ bị viêm đường hô hấp trở nặng
Viêm đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Bệnh hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi phát hiện con có các dấu hiệu trở nặng, ba mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ:
– Thở bất thường: thở nhanh, co rút lồng ngực, khó thở
– Sốt cao, co giật
– Mất nước nghiêm trọng
– Các triệu chứng bệnh kéo dài, không có dấu hiệu cải thiện
– Ăn kém, bỏ ăn, bỏ bú, nôn ói nhiều
– Da tím tái
Làm sao để giúp trẻ phòng ngừa viêm đường hô hấp?
Tạo miễn dịch chủ động bằng việc thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng quốc gia là phương pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm hàng đầu để tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh hiệu quả cho trẻ.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa viêm đường hô hấp ở trẻ, ba mẹ lưu ý:
– Hạn chế cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc đông người vào thời gian giao mùa hay khi dịch bệnh bùng phát.
– Hướng dẫn trẻ giữ gìn tay và thân thể sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng để hạn chế nguy cơ virus xâm nhập đường hô hấp.
– Đeo khẩu trang cẩn thận cho trẻ mỗi khi ra ngoài.
– Tạo môi trường sống tốt nhất cho trẻ: sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ vừa phải…
– Không để gió quạt hướng thẳng vào trẻ khi ngủ.
– Khi thời tiết lạnh, giữ ấm đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là ở vùng cổ họng, tay, chân. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
– Xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học để giúp con tăng cường sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh hiệu quả.
Đây đều là những phương pháp đơn giản nhưng có tác dụng hiệu quả trong việc phòng ngừa viêm đường hô hấp ở trẻ.
Hi vọng các thông tin trong bài viết hữu ích cho ba mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ bé luôn mạnh khỏe. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, ba mẹ liên hệ ngay tới hotline 1900 1984 của DoLife để được hỗ trợ nhé!
Bài viết liên quan
Bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em: Ba mẹ cần chăm sóc bé như thế nào?
Tiêu chảy là vấn đề thường gặp ở trẻ. Trong đó, tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ nếu không được cứu chữa kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong ở trẻ. Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ là gì? Tiêu chảy nhiễm khuẩn là một trong […]
“Tất tần tật” về triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
Trẻ dưới 5 tuổi trung bình có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp trên 4 – 6 lần/năm. Các bệnh lý này không chỉ khiến trẻ bị suy giảm sức khỏe mà còn có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ nếu không được điều trị kịp […]
Chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt như thế nào?
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, làm chậm khả năng phát triển tâm thần, vận động và suy giảm đề kháng ở trẻ. Làm sao để phát hiện trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt và cần chăm sóc con như thế nào? Ba mẹ tìm kiếm giải pháp ngay […]
Trẻ em bị kiết lỵ uống thuốc gì? Cẩm nang điều trị kiết lỵ ở trẻ
Nguyên tắc hàng đầu trong điều trị kiết lỵ ở trẻ chính là việc cho con nghỉ ngơi và bổ sung nước cùng điện giải đầy đủ. Ngoài ra, ba mẹ có thể sử dụng thêm thuốc để giúp con nhanh khỏi bệnh không? Tìm ngay câu trả lời trong bài viết này! Dấu hiệu […]