Tay chân miệng: Dấu hiệu nhận biết và hướng dẫn điều trị tại nhà

24/02/2024
Tác giả: Ngọc Mỹ
Chia sẻ

Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch với cao điểm thường diễn ra vào tháng 3 – 5 và tháng 8 – 10 hàng năm. 

Về cơ bản, tay chân miệng là bệnh lý lành tính và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Ba mẹ lưu ngay hướng dẫn trong bài viết để tự chăm sóc con tại nhà đúng cách.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 50.000 – 100.000 trường hợp mắc tay chân miệng. Đặc biệt, khu vực miền Nam chiếm tới 60% tổng số ca bệnh. 

Tay chân miệng (HFMD) là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus thuộc họ Enterovirus, trong đó có Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Tùy vào chủng virus mắc phải mà tình trạng sức khỏe của người bệnh khi mắc tay chân miệng là khác nhau:

– Mắc bệnh do virus Coxsackievirus A16: ít biến chứng, bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi.

– Mắc bệnh do virus Enterovirus 71: người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được chăm sóc đúng cách.

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây lan nhanh từ người sang người thông qua đường miệng, dịch tiết từ miệng, mũi, phân, nước bọt… Trong tuần đầu tiên mắc bệnh (giai đoạn ủ bệnh), người bệnh có khả năng phát tán virus. Thời gian lây nhiễm có thể kéo dài đến vài tuần sau đó do virus còn tồn tại trong phân và nước bọt bệnh nhân.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tay chân miệng

Đặc trưng của trẻ khi mắc tay chân miệng là nổi các ban hồng, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mông, đầu gối… cùng với đó là các triệu chứng khác.

Để có thể tự xác định tình trạng bệnh của trẻ, ba mẹ cần nắm rõ sự phát triển bệnh lý:

– Giai đoạn ủ bệnh (kéo dài 3 – 7 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh

+ Các triệu chứng chưa rõ ràng

+ Trẻ gần như không xuất hiện các biểu hiện bất thường

– Giai đoạn khởi bệnh (kéo dài 1 – 2 ngày)

+ Sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy theo cơ địa trẻ

+ Đau nhức cơ

+ Mệt mỏi

+ Biếng ăn

+ Tiêu chảy

+ Đau họng

– Giai đoạn toàn phát (kéo dài 3 – 10 ngày)

+ Xuất hiện các vết loét màu đỏ như dạng phỏng nước với đường kính 2 – 3mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi.

+ Tăng tiết nước bọt

+ Đau miệng, đau nhiều khi nuốt thức ăn

+ Ăn không ngon miệng, biếng ăn

+ Xuất hiện ban dạng phỏng nước có kích thước 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục thành từng vùng trên cơ thể. Ban nước tập trung nhiều nhất ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, không gây đau.

+ Có thể xuất hiện tình trạng rối loạn tri giác, co giật, mê sảng

+ Ban nước tồn tại khoảng 7 ngày rồi biến mất và để lại thâm.

Trẻ xuất hiện các ban đỏ, mọng nước khi bị tay chân miệng
Trẻ xuất hiện các ban đỏ, mọng nước khi bị tay chân miệng

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách

Đa phần các trường hợp trẻ bị tay chân miệng có thể tự điều trị tại nhà và hồi phục hoàn toàn sau 8 – 10 ngày. Việc chăm sóc tích cực, điều trị đúng cách đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của trẻ.

Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, ba mẹ lưu ý:

– Cung cấp đủ nước cho con 

Tay chân miệng thường kèm theo các triệu chứng: sốt, tiêu chảy, nôn ói, đau buốt trong miệng do các vết loét gây ra… khiến cơ thể trẻ bị mất nước trầm trọng. Cơ thể mất nước kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.

Ba mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hơn so với bình thường để cơ thể con được cung cấp đủ nước. Cùng với nước lọc, có thể cho con uống bổ sung thêm oresol hay nước ép hoa quả để bù nước, bù khoáng hiệu quả.

– Dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ

Trước khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau, ba mẹ cần tham khảo ý kiến từ chuyên gia. Bên cạnh đó, liều dùng cũng cần phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.

Lưu ý:

+ Trẻ dưới 2 tháng tuổi không được dùng paracetamol để hạ sốt.

+ Không cho trẻ dùng thuốc hạ sốt quá 5 lần/ngày.

+ Mỗi lần cho trẻ uống thuốc cần cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ.

– Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ

Ba mẹ cần cho con súc miệng bằng nước muối sinh lý để hạn chế sự phát triển của virus trong miệng. Bên cạnh đó, cần cho con tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày để tránh tình trạng bội nhiễm mụn nước. Cần dùng dung dịch sát khuẩn ngoài da tại các vị trí có tổn thương để tránh mụn nước lan rộng.

– Cách ly trẻ để hạn chế sự lây lan của virus

Khi trẻ bị tay chân miệng, ba mẹ cần cách ly con với bạn bè và người thân trong gia đình để tránh virus tiếp tục lây lan, phát tán dịch bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc với bé, ba mẹ đeo khẩu trang, sau tiếp xúc ba mẹ rửa lại tay bằng xà phòng và khử khuẩn cẩn thận.

Đồ dùng cá nhân của trẻ cần được để riêng biệt và sát khuẩn bằng nước sôi/ dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần sử dụng.

Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly để hạn chế virus lây lan
Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly để hạn chế virus lây lan

– Xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng khoa học

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với sự phục hồi sức khỏe của trẻ. Để con sớm khỏe lại, ba mẹ cần thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học với đầy đủ nhóm chất giúp con tăng đề kháng. 

Thức ăn của trẻ nên được chế biến thành dạng mềm như: súp, cháo, sinh tố… để con dễ ăn, dễ nuốt. Tránh để con ăn thức ăn cứng, tác động đến các tổn thương trong miệng.

Ngoài ra, ba mẹ cần tránh để trẻ ăn những thực phẩm gây ảnh hưởng xấu tới các mụn nước như: thức ăn cay nóng, đồ ăn chiên rán, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa (phô mai, bơ…), thực phẩm giàu arginine (socola, đậu phộng, nho khô…)

– Theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ

Trong quá trình chăm sóc và tự điều trị tại nhà, ba mẹ cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của trẻ. Khi con có các biểu hiện bất thường, ba mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Khi nào ba mẹ cần đưa trẻ bị tay chân miệng đến bệnh viện

Như đã đề cập ở trên, đa số các trường hợp trẻ bị tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trước khi tự điều trị, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình tự điều trị, ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện nếu các triệu chứng bệnh kéo dài hơn 7 ngày mà không cải thiện:

– Sốt cao, sốt có thể kéo dài kèm co giật.

– Quấy khóc bất thường, môi tím tái, cơ thể có dấu hiệu của tình trạng mất nước.

– Ngủ nhiều, có xu hướng mất nhận thức.

– Dễ giật mình

– Loạng choạng, tay chân run 

– Thở bất thường: thở nhanh, thở nông, khó thở.

– Huyết áp và nhịp tim tăng nhanh.

– Thường xuyên nôn mửa.

Khi đó, ba mẹ liên hệ ngay tới hotline 1900 1984 của DoLife để được hỗ trợ ngay nhé!

Bệnh viện Quốc tế DoLife

Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà Suced, 108 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 1900 1984

Website: dolifehospital.vn

Email: info@dolifehospital.vn

FanpageBệnh viện Quốc tế Dolife

Từ khóa:

Bài viết liên quan

Dấu hiệu cảnh báo thai nhi ngừng phát triển

Dấu hiệu cảnh báo thai nhi ngừng phát triển

Thai nhi ngừng phát triển (thai lưu/ thai chết lưu) nếu không được xử lý sớm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Vậy làm sao để nhận biết? Xử trí tình trạng này như thế nào? Để DoLife giúp bạn giải đáp thắc mắc qua bài viết bên dưới. […]

Viêm amidan ở trẻ có nên cắt không?

Viêm amidan ở trẻ có nên cắt không?

Viêm amidan là tình trạng thường gặp ở trẻ. Việc cắt amidan không những không ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của trẻ mà còn giúp loại bỏ ổ viêm, tránh những biến chứng nguy hiểm do viêm amidan gây ra. Amidan là gì? Amidan là một tổ chức lympho của cơ thể nằm […]

Hội chứng Reye: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Hội chứng Reye: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Hội chứng Reye tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy có tử vong. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng qua bài viết sau Hội chứng Reye là gì? Hội chứng Reye là một tình trạng […]

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng luôn là nỗi lo lắng hàng đầu đối với các bậc phụ huynh. Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa, tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể chủ động phòng bệnh. Ba mẹ theo dõi bài sau để tìm hiểu cách phòng bệnh tay chân miệng cho con. Tổng quan […]