Bệnh lao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

24/03/2025
Tác giả: Trần Chang
Chia sẻ

Bệnh lao là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vậy nguyên nhân gây bệnh lao là gì? Triệu chứng nhận biết ra sao? Điều trị như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Tìm hiểu về bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến phổi (lao phổi), nhưng cũng có thể tấn công các bộ phận khác như xương, màng não, hạch bạch huyết, thận… Bệnh lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, làm phát tán vi khuẩn vào không khí.

Mặc dù nguy hiểm, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đầy đủ theo phác đồ. Việc nâng cao nhận thức, phòng ngừa và điều trị kịp thời là chìa khóa để kiểm soát căn bệnh này.

Bệnh lao có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời

Bệnh lao có lây không?

Có, bệnh lao có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Khi một người bị lao phổi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis sẽ phát tán vào không khí dưới dạng các hạt nhỏ li ti. Nếu người khỏe mạnh hít phải, họ có nguy cơ bị nhiễm lao.

Những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao:
– Tiếp xúc gần gũi, thường xuyên với người mắc lao phổi chưa điều trị
– Sống hoặc làm việc trong môi trường đông người, không thông thoáng
– Hệ miễn dịch suy yếu (trẻ nhỏ, người cao tuổi, bệnh nhân HIV, tiểu đường…)

Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn lao cũng phát bệnh. Một số người có hệ miễn dịch tốt có thể kiểm soát vi khuẩn mà không phát triển thành bệnh lao.

Bệnh lao có nguy hiểm không?

Bệnh lao rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh lao:

Nếu không được điều trị đúng cách, lao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

– Lao phổi nặng → Suy hô hấp, ho ra máu ồ ạt, xơ phổi.

– Lao màng não → Viêm màng não, ảnh hưởng đến não bộ, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh.

– Lao xương khớp → Biến dạng xương, teo cơ, tàn phế.

– Lao màng phổi, lao ruột, lao sinh dục → Gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể.

– Lao phổi có thể lây từ người bệnh sang người khỏe qua đường hô hấp.

– Nếu không được điều trị, mỗi người mắc lao phổi có thể lây cho 10-15 người khác mỗi năm.

– Nếu không tuân thủ phác đồ điều trị, vi khuẩn lao có thể kháng thuốc, khiến bệnh khó chữa hơn.

– Lao đa kháng thuốc (MDR-TB) và lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) đòi hỏi thời gian điều trị lâu hơn, chi phí cao hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Bệnh lao có thể lây qua đường hô hấp

Dấu hiệu cảnh báo bệnh lao

Bệnh lao có thể phát triển âm thầm và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng dưới đây, hãy đi kiểm tra sức khỏe sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

Triệu chứng bệnh lao phổi (thể phổ biến nhất)

– Ho kéo dài trên 2 tuần (có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu)
– Sốt nhẹ về chiều, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi
– Sụt cân không rõ nguyên nhân, người gầy gò, xanh xao
Đổ mồ hôi trộm về đêm dù thời tiết không nóng
– Đau tức ngực, khó thở, có thể đau lan ra lưng hoặc vai

Triệu chứng bệnh lao ngoài phổi

Bệnh lao có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể với các biểu hiện khác nhau:

– Lao hạch: Xuất hiện hạch sưng to ở cổ, nách, bẹn, có thể mềm hoặc chảy mủ.
– Lao xương khớp: Đau nhức xương, khớp sưng to, hạn chế vận động.
– Lao màng não: Đau đầu kéo dài, sốt cao, nôn mửa, cứng cổ, có thể co giật.
– Lao màng phổi: Khó thở, đau ngực, tràn dịch màng phổi.
– Lao ruột: Đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, đầy hơi, chướng bụng.
– Lao tiết niệu – sinh dục: Tiểu buốt, tiểu ra máu, đau vùng thận, ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Phương pháp chẩn đoán bệnh lao

Có 2 loại xét nghiệm để phát hiện tình trạng nhiễm trùng lao, gồm: Xét nghiệm lao qua máu, xét nghiệm lao qua da. Bác sĩ sẽ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp với từng bệnh nhân. Một số yếu tố cần xem xét khi lựa chọn loại xét nghiệm gồm lý do xét nghiệm, tính sẵn có của xét nghiệm và chi phí. Không nhất thiết xét nghiệm lao qua da và xét nghiệm lao qua máu cùng 1 người.

Xét nghiệm qua máu

Có 2 loại xét nghiệm lao qua máu được Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt và có sẵn ở Hoa Kỳ, đó là:

– QuantiFERON®-TB Gold Plus (QFT-Plus)

– T-SPOT®.TB test (T-Spot) 

Nếu kết quả xét nghiệm lao qua máu dương tính, nghĩa là bạn đã mang mầm bệnh lao. Cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung khác để xem bạn có bị nhiễm trùng lao tiềm ẩn hay bệnh lao hay không. Nếu kết quả âm tính, máu của bạn không phản ứng với xét nghiệm. Bạn có khả năng không bị nhiễm trùng lao.

Xét nghiệm qua da

Xét nghiệm lao qua da là phương pháp để xác định xem bạn có mầm bệnh lao hay không. Xét nghiệm được tiến hành khi nhân viên y tế tiêm một lượng nhỏ chất lỏng xét nghiệm được gọi là lao tố hay PPD vào vùng da dưới cánh tay. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng 2 đến 3 ngày. Người được xét nghiệm có thể bị sưng ở vị trí tiêm lao tố. Nhân viên y tế sẽ xem xét độ sưng và cho biết phản ứng của người được xét nghiệm là dương tính hay âm tính.

Bệnh lao được điều trị như thế nào? Lao có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần dùng thuốc theo sự hướng dẫn của các bác sĩ. Người bệnh sẽ dùng nhiều loại thuốc điều trị lao khác nhau để tiêu diệt mầm bệnh lao. Dùng nhiều loại thuốc điều trị lao sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong việc tiêu diệt mầm bệnh lao và ngăn lao kháng thuốc.

Ho dai dẳng, léo dài là triệu chứng điển hình của bệnh lao phổi

Phòng ngừa bệnh lao bằng cách nào?

Bệnh lao có thể phòng ngừa nếu chúng ta áp dụng các biện pháp đúng đắn. Dưới đây là những cách hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc và lây lan bệnh lao.

Tiêm vaccin BCG phòng lao

Tiêm vaccine BCG (Bacillus Calmette-Guérin) là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa lao nặng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
– Thời điểm tiêm: Tiêm BCG ngay sau khi sinh (trong vòng 1 tháng đầu đời) để giúp trẻ có miễn dịch chống lại bệnh lao.

Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ

Vi khuẩn lao dễ tồn tại ở nơi kín gió, ẩm thấp. Vì vậy, hãy:
– Mở cửa sổ thường xuyên để không khí lưu thông.
– Đảm bảo nhà ở, nơi làm việc có đủ ánh sáng mặt trời vì tia UV giúp tiêu diệt vi khuẩn lao.
– Không dùng chung đồ cá nhân với người mắc lao.

Bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với người bệnh

Nếu có người mắc lao xung quanh, cần:
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần.
– Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa, khăn mặt.
– Hạn chế tiếp xúc gần gũi, đặc biệt là ở không gian kín.

Tăng cường hệ miễn dịch để phòng bệnh

Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại vi khuẩn lao, vì vậy bạn nên:
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, D, kẽm (trái cây, rau xanh, cá, trứng…).
– Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc.
– Tránh rượu bia, thuốc lá vì chúng làm suy giảm sức đề kháng.

Phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa lây lan

Nếu có các triệu chứng nghi ngờ (ho kéo dài, sụt cân, sốt về chiều…), cần đi khám ngay!
– Người bệnh cần tuân thủ điều trị đủ liều, đủ thời gian để tránh lao kháng thuốc.
– Khi đang điều trị lao, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và che miệng khi ho.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Hãy tiêm vaccin BCG, giữ gìn lối sống lành mạnh và tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm để đẩy lùi bệnh lao. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời!

 

Từ khóa:

Bài viết liên quan

Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Tình trạng trẻ em mắc hen phế quản ở nước ta ngày một tăng cao. Vậy nguyên nhân của căn bệnh này do đâu? Cách điều trị như nào cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau! Bệnh hen phế quản ở trẻ là gì? Hen phế quản hay còn có tên […]

Lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh lao phổi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lao phổi trong bài […]

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Bạch hầu là căn bệnh dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt. Vậy bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào? Nguyên nhân và các triệu chứng của bệnh là gì? Tìm hiểu qua bài viết dưới đây! Bạch hầu là bệnh gì? Bệnh bạch […]

Bệnh ho gà ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh ho gà ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh ho gà thường gặp phải ở trẻ dưới 10 tuổi, chiếm tới 90% tổng số ca bệnh. Vậy căn bệnh này có triệu chứng thế nào? Các biến chứng có thể gặp phải là gì? Điều trị bệnh ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây! Ho gà ở trẻ em là […]